ChatGPT & AI: Cơ hội và Thách thức trong giáo dục
Trong những năm gần đây, trí tuệ nhân tạo (AI) đã có những bước tiến vượt bậc và đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Đặc biệt, công cụ ChatGPT với trí thông minh vượt trội và sức “viral”, được biết đến nhanh chóng và rộng rãi, đã báo hiệu sự tăng trưởng mạnh mẽ của AI trong các ngành nghề, tạo ra một thách thức to lớn cho cả cách dạy và học.
“ChatGPT” hiểu một cách đơn giản
Hiểu một cách đơn giản nhất, ChatGPT là một chatbot của OpenAI, một công cụ được xây dựng để phản hồi những câu hỏi, mệnh lệnh của người dùng. Điều khiến cho ChatGPT trở lên đặc biệt đó là ChatGPT lấy được vài tỷ tham số từ đủ loại văn bản trên thế giới để đưa ra câu trả lời. Nhờ vào ứng dụng công nghệ AI, ChatGPT có thể tự sáng tạo ra câu trả lời và tự học rất nhanh, ChatGPT có thể đề xuất ra những giải pháp cụ thể cho từng vấn đề. Như vậy, ChatGPT đã chứng minh khả năng nhận biết câu trả lời, mong đợi của người dùng để đưa ra giải pháp phù hợp. Bài viết này tôi cũng đã nhờ chính chatGPT gợi ý và lên ý tưởng. Như vậy, khả năng nhận thức (perception) hay tự nhận thức (self-awareness) không còn là độc đáo riêng của con người. AI cũng đã làm được, và còn làm nhanh hơn con người chúng ta rất nhiều. Có lẽ sẽ không có người nào có khả năng tự học và phát triển nhanh hơn AI được.
AI hay cụ thể chatGPT có thể làm được gì trong công cuộc “dạy” và “học”?
Tôi đã thực hiện một khảo sát nhanh và thảo luận với những người đồng nghiệp là thạc sĩ, tiến sĩ ngành Educational Technology (ứng dụng công nghệ trong giáo dục), cũng như những đồng nghiệp đang cùng học tập, hướng dẫn cho học sinh thế hệ α, phần lớn mọi người đều cảm thấy vui mừng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của chatGPT vào đầu năm 2023. Nhiều người đã ngay lập tức sử dụng trong công việc soạn email, cung cấp nhận xét/phản hồi cho bài tập của học sinh, nhận xét học sinh, giải các bài tập khó, lên kế hoạch giảng dạy, cập nhật bài học theo các xu hướng mới nhất, … Tôi còn nhờ chatGPT sửa code học sinh đang bị bug (lỗi), điều mà lúc trước mất vài tiếng để sửa bài cho cả lớp, nay thu gọn còn trong tầm 10 phút hoặc ít hơn. Thậm chí, chatGPT còn có thể lên kế hoạch cho chương trình học cụ thể, chi tiết, điều mà có thể phải mất vài tuần, vài tháng để tìm hiểu nghiên cứu tài liệu. Nói như vậy nhưng không có nghĩa mọi thông tin ChatGPT đưa ra đều chính xác, bản thân ChatGPT luôn nhắc nhở người dùng cuối mỗi câu hỏi là phải kiểm tra lại thông tin và tính học thuật của các giải pháp bạn đưa ra. Ở một mặt khác, các công cụ AI vốn đã được phát triển rất nhiều từ trước đây, đã đi cùng làn sóng xuất hiện ở khắp mọi nơi. Có thể kể đến như 1 phần mềm thiết kế rất quen thuộc với giáo viên và các nhà thiết kế gần đây như Canva, họ đã tích hợp rất nhiều AI mạnh mẽ trong đó. Giáo viên có thể tạo ra 1 bài slide hoàn chỉnh chỉ với vài yêu cầu cụ thể, hay vẽ tranh, làm video chỉ bằng những câu lệnh hay yêu cầu hỗ trợ. Những giáo viên không còn tự tin về giọng nói cũng có thể nhờ AI để điều chỉnh giọng nói của mình. Những AI có thể tự ra đề bài kiểm tra, tự chấm điểm, rà xét kỹ tính học thuật, đạo văn, ... Ở lĩnh vực nghệ thuật, vẽ tranh, con người vẫn nghĩ rằng máy móc không thể làm được, AI cũng đã chứng minh khả năng của mình thông qua rất nhiều tác phẩm gây tranh cãi.
Đối với học sinh, học sinh có thể “nhờ làm bài tập giúp”, ChatGPT không chỉ đưa ra đáp án mà còn là lời giải rõ ràng, rành mạch. ChatGPT còn cung cấp đầy đủ thông tin kiến thức nhiều hơn cả những gì giáo viên có thể chia sẻ. Các công cụ AI khác cũng có thể ngay lập tức hỗ trợ học sinh mọi việc để hoàn thiện yêu cầu của giáo viên, tất cả mọi thứ chỉ nhờ những câu lệnh. Chỉ cần bạn có ý tưởng và cách hỏi, AI có thể làm mọi thứ. Nên ngay lập tức, tháng 03/2023, rất nhiều trường học đã phản ứng với chatGPT. Trường đại học New York (NYU) cấm sử dụng ChatGPT cũng như những công cụ AI khác. Nếu sinh viên sử dụng, hậu quả là họ phải làm lại bài, sẽ bị trừ điểm và bị báo cáo lên trưởng khoa. Các giáo sư tại NYU cũng khuyến cáo nếu sinh viên sử dụng ChatGPT để làm hộ bài thi toán thì rất dễ bị điểm F (trượt), nhiều trường đại học trong khối Russel ở Anh cũng làm điều tương tự. Như 1 điều đương nhiên, rất nhiều AI được sinh ra để ngăn chặn cũng như phát hiện những sản phẩm, ấn phẩm, bài viết được tạo ra từ AI. Sau vài tháng, các trường đại học đã thay đổi và nghĩ rằng “AI là 1 cơ hội hơn là 1 mối đe dọa”, họ đã ký những cam kết đưa AI vào hỗ trợ học thuật cho cả giảng viên và học sinh.
Giáo viên và học sinh cần làm gì?
Không phụ thuộc vào công nghệ, máy móc. Máy tính có thể tính toán được, nhưng tại sao học sinh phải học tính nhẩm, tính tay trước khi được sử dụng máy tính? Các phần mềm trợ giúp có thể vẽ biểu đồ, vẽ infographic, làm mindmap, nhưng sao học sinh vẫn phải học từng bước làm trước? AI có thể làm được nhiều hơn những điều kể trên. Khi giáo viên không định hướng đúng đắn, học sinh có thể dễ dàng phụ thuộc vào các thiết bị công nghệ mà không có khả năng suy nghĩ, không rèn luyện được các kỹ năng học tập và làm việc. Nếu cách “dạy” và “học” vẫn tập trung lý thuyết, học thuộc lòng, chỉ tiếp nhận kiến thức mà không được phép đặt câu hỏi thì học sinh sẽ xuất hiện những thế hệ học sinh hoàn toàn không có khả năng suy nghĩ và sẽ không thể cạnh tranh được với thị trường lao động trong tương lai. Nếu cách “học” phụ thuộc vào công nghệ, tính sáng tạo, tính tư duy sẽ dần biến mất.
Hiểu biết về công nghệ. Việc học tập về công nghệ ở thời đại hiện nay không còn là biết và tìm hiểu, mà phải làm phân tích, đánh giá, làm chủ công nghệ. Máy tính sẽ "học" nhanh hơn con người với tốc độ xử lý rất nhanh, vậy nên con người cần thay đổi cách học và cách tư duy, nếu không sẽ khó có thể cạnh tranh với AI nếu chỉ "học vẹt" kiến thức. Lộ trình cho học sinh thế hệ α cũng phải liên tục thay đổi, chuẩn bị sẵn sàng cho những công nghệ trong tương lai, hình thành tư duy máy tính (computational thinking) từ rất sớm. Việc học tập phát triển tư duy máy tính cũng là một phương pháp dễ dàng thúc đẩy phát triển tư duy bậc cao. Hãy nhớ rằng, AI đang hiện diện trong tất cả ngành nghề, chứ không còn chỉ là những ngành liên quan đến công nghệ. Việc tạo một nền tảng hiểu biết về công nghệ sẽ tạo cho học sinh một lợi thế cạnh tranh không hề nhỏ trong tương lai gần. Việc học đòi hỏi sự thay đổi, việc dạy còn đòi hỏi sự thay đổi nhanh hơn. Nếu người giáo viên không có tư duy theo kịp với công nghệ thì làm sao truyền tải được những công nghệ, tư duy máy tính cho thế hệ học sinh.
Phát triển tư duy bậc cao. ChatGPT đang dừng ở mức độ đề xuất giải pháp, cách thức cho người dùng với lượng thông tin khổng lồ. Tuy nhiên, kỹ năng biết cách đặt câu hỏi cho AI để nhận được kết quả tốt nhất là một kỹ năng cần thiết nếu muốn làm chủ công nghệ này. Giáo dục cần chuyển hướng dần từ việc dạy học sinh cách đưa ra câu trả lời dựa trên vốn kiến thức bậc thấp sang việc dạy học sinh thường xuyên tư duy bậc cao. Học sinh thường xuyên được yêu cầu tư duy ở bậc cao sẽ có thể dễ dàng làm chủ những công cụ AI vốn đang quá thông minh. Khi bạn không cung cấp đủ thông tin, AI cũng chỉ đưa bạn 1 kết quả ít ỏi tương ứng. Ví dụ bạn hỏi “đề xuất giải pháp học tốt môn Toán?”, vậy thì câu trả lời sẽ rất là tổng quát và chung chung, hãy đưa ra thông tin cụ thể hơn, ví dụ như học phần nào, lớp nào tại quốc gia nào, cần thêm bài tập để giải dạng như thế nào, câu hỏi bậc thấp hay bậc cao, …
Tính minh bạch và học thuật. Nếu câu trả lời/giải pháp bạn đang thực sự cần, hãy kiểm tra fact-check thêm những công cụ khác như Google hay chuyên sâu như Google Scholar hoặc các công cụ học thuật khác. Hiện tại, ChatGPT còn khá nguy hiểm là có thể “bịa” ra câu trả lời vì những thuật toán đưa đến kết quả này, ChatGPT cũng thường xuyên nhắc nhở rằng thông tin mình đưa ra nhằm mục đích tham khảo và có thể sai lệch. Với sự phát triển và đào tạo học sinh ở mức độ tư duy bậc cao, các yếu tố học thuật sẽ thúc đẩy sự phát triển cách suy nghĩ và làm việc của học sinh. Công cụ vẫn là công cụ, con người mới là yếu tố then chốt trong sự phát triển của xã hội.
Trang bị những kỹ năng có thể chuyển đổi được. Dự kiến đến năm 2030, hơn 50% công việc hiện nay của con người sẽ do robots thực hiện. Rất nhiều ngành nghề đã, đang, và sẽ biến mất; không chỉ những công việc phổ thông, những việc có tính chất lặp đi lặp lại mà cả những việc thuộc về trí óc với sự xuất hiện của AI. Nghĩa là, nếu con người chỉ được trang bị kiến thức và kỹ năng chuyên môn một ngành nghề nào đó, thì trong tương lai sẽ có khả năng là không có việc làm. Như vậy, điều cấp thiết là giáo viên cần hướng dẫn cho học sinh những kỹ năng có thể chuyển đổi được (transferable skills) như giao tiếp, hợp tác, phản biện, tự học, quản lý bản thân … để có thể thích ứng nhanh khi phải chuyển đổi nghề nghiệp. Để hướng dẫn học sinh thì bản thân người giáo viên cũng phải thay đổi, rèn luyện để thành thạo những kỹ năng này.
ChatGPT đang ở trong thời đại hoàng kim của mình, sẽ còn phát triển rất mạnh mẽ. Chỉ trong giai đoạn ngắn ngủi, từ lúc trở nên phổ biến với phiên bản GPT-3, phiên bản GPT-4 đã ra mắt với việc hơn 100 nghìn tỷ tham số đưa đến một lượng dữ liệu khổng lồ hỗ trợ người dùng, với tính năng kết nối mạng cũng giúp các thông tin có phần chính xác hơn mong đợi. Các công ty công nghệ cũng sẽ không đứng nhìn sân chơi này, liên tục các công nghệ AI có tích hợp chatGPT cũng đã được xuất hiện, Google đã giới thiệu Bard, đối thủ sẵn sàng cho ChatGP, Microsoft đã phát triển AI chat của Bing. Satya Nadella, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Microsoft cho biết: “AI sẽ thay đổi căn bản mọi danh mục phần mềm, bắt đầu với danh mục lớn nhất – tìm kiếm”.
Tại hệ thống trường Khai Nguyên - Inspire Schools, AI đã được đưa vào giảng dạy ngay từ lớp 1, nhằm mục đích cho các bạn học sinh biết về những công nghệ vốn đã tồn tại xung quanh chúng ta, định hướng và phát triển tư duy máy tính có thể sử dụng những công nghệ này tốt hơn. Chương trình giảng dạy lồng ghép các hoạt động, kiến thức về AI do Google Education triển khai, có tích hợp các học phần về ChatGPT ở cấp THCS giúp học sinh có nhiều góc nhìn và hiểu biết về thế giới đang phát triển, sẵn sàng tham gia thế giới công nghệ ở tương lai gần.
AI sẽ thúc đẩy sự thay đổi toàn diện trong mọi lĩnh vực, bao gồm giáo dục. Với một thế giới đầy biến động, không chắc chắn, phức tạp và mơ hồ hiện nay (thế giới VUCA), các nhà trường cần nhanh chóng hành động và điều chỉnh để phù hợp với những làn sóng công nghệ mạnh mẽ trong tương lai gần. Hãy luôn nhớ rằng, giáo viên đang dạy học cho thế hệ tương lai, giáo viên đang giúp học sinh chuẩn bị cho tương lai. Thầy/Cô đã sẵn sàng từ bỏ những điều đã cũ và chinh phục những thách thức và cơ hội mới này hay chưa?
Thạc sĩ Trần Thanh Tùng
Trưởng bộ phận Chuyên môn khối ngành STEM - Hệ thống trường liên cấp Inspire Khai Nguyên (www.ispschools.edu.vn)